Lost in Translation bắt đầu khi Bob Harris, ngôi sao điện ảnh gần hết thời, sang Tokyo quay quảng cáo cho một hãng rượu. Tại đây, ông gặp người phụ nữ trẻ đã kết hôn là Charlotte, đi theo chồng trong chuyến công tác. Cả hai đều cảm thấy cô đơn và lạc lõng ở Tokyo. Một người thì đang gặp phải “midlife crisis” (khủng hoảng tuổi trung niên), một người thì đang khủng hoảng hậu tốt nghiệp hay một cụm từ mà giới trẻ ưa dùng gần đây – “khủng hoảng tuổi 20”.Cả Bob Harris và Charlotte bị lạc ngay từ khi còn trên đất Mỹ. Nhưng đặt bối cảnh ở Tokyo, một thành phố xa lạ, việc bất đồng ngôn ngữ cùng cú sốc văn hóa càng nhấn mạnh thêm sự lạc lõng đó. Không phải nhu cầu tình dục hay bất cứ sự lãng mạn nào mà chính là nỗi cô đơn, nhu cầu được chia sẻ đã kéo họ lại với nhau.
Lost in Translation gợi nhớ đến một bộ phim tình cảm cũng rất nổi tiếng khác là Before Sunrise, cũng là câu chuyện về hai người xa lạ, tình cờ gặp gỡ và kết nối với nhau ở một thành phố xa lạ. Nhưng nếu Before Sunrise ngập tràn hy vọng và sự lãng mạn thì Lost in Translation u ám và nhiều tâm trạng hơn. Nếu trong bộ phim có bối cảnh ở thành Vienna (Áo), ta có thể dễ dàng gọi tên thứ tình cảm giữa hai nhân vật chính là tình yêu thì ở Lost in Translation, rất khó để trả lời mối quan hệ giữa hai nhân vật chính là gì. Chính sự la đà, khó đoán biết ấy tạo nên sự khắc khoải, nôn nao của bộ phim. Đạo diễn Sofia Coppola chọn được hai vai chính thành công. Scarlett Johansson ngọt ngào trẻ trung tuổi 18 hớp hồn khán giả bằng vẻ đẹp rất nữ tính của mình. Vai diễn Bob Harris được đo ni đóng giày cho riêng Bill Murray. Đạo diễn Sofia Coppola đã cố gắng mời bằng được Bill Murray tham gia bộ phim “hoặc là có Bill Murray hoặc là không có bộ phim nào hết”. Đáp lại sự kỳ vọng của Sofia, Bill Murray có một trong những vai diễn thành công nhất trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Diễn xuất của hai diễn viên trong phim khiến sự cô đơn, lạc lõng như được cô đặc lại, nhón tay là cầm lấy được. Đó là đôi mắt chán chường mỏi mệt của Bob Harris khi đứng trong thang máy với vẻ bất cần và không quan tâm, là cảnh Charlotte cầm chiếc ô trong suốt đứng ngơ ngác lẫn với đám đông. Ngay cả khi họ ngồi cạnh nhau, bên quầy bar hay ở hành lang phòng hát karaoke, lối nói chuyện rời rạc và làn khói nghi ngút từ điếu thuốc hờ hững trên tay Charlotte… Tất cả đều nói lên nỗi buồn những kẻ bị lạc.
Lost in Translation tìm được sự cân bằng tuyệt vời giữa sự nặng nề nghiêm trọng và nét hài hước hóm hỉnh. Người xem vừa có cảm giác buồn bã vừa cảm thấy tức cười dù nụ cười trong phim chỉ khẽ như một cái nhếch mép giễu nhại. Phim có tiết tấu chậm và khá kén người xem. Một số người sẽ thấy Lost in Translation vô cùng buồn tẻ nhưng số khác – những người bị lạc – sẽ thấy ở tác phẩm này một sự đồng cảm sâu xa.
Link download