The Army of Crime – L’Armée du crime (Đội Quân Tội Phạm) năm 2009 của nhà làm phim kỳ cựu người Pháp Robert Guédiguian dựa trên một câu chuyện của Serge Le Péron kể về một sự kiện lịch sử có thật ở Paris trong thời kỳ bị phát xít Đức chiếm đóng. Đây là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc đã vinh danh những chiến công của một nhóm nhỏ các thành viên kháng chiến người nước ngoài do nhà thơ Missak Manouchian lãnh đạo đã hy sinh trong cuộc kháng chiến giải phóng nước Pháp khỏi đô hộ của Đức Quốc xã.
Missak Manouchian là người Thổ Nhĩ Kỳ gốc Armenia, đến Pháp từ lúc trẻ, làm thợ, tự học, sáng tác thơ, làm báo. Anh gia nhập đảng Cộng sản Pháp năm 1934, lúc 28 tuổi. Năm 1940, khi Pháp thua trận, anh chỉ huy một mạng lưới du kích 23 người trong đó có một phụ nữ, phá hoại những cơ sở của Đức trong thành phố, đặt bom, giật mìn, phá đường sắt, phục kích quân đội Đức, gây bất an cho chính quyền cộng tác với địch. Ngày 16-11-1943, do bị phản bội, anh và toàn bộ nhóm bị bắt. Nhà cầm quyền Đức và chính phủ Vichy (chính phủ Pháp bù nhìn) tổ chức ba ngày xử án rầm rộ, với báo chí, phim ảnh ầm ĩ, cốt làm dân chúng Pháp thù ghét bọn khủng bố ngoại quốc đang đe dọa an ninh của họ. Sự thật rành rành ra đấy: trong 23 người của nhóm, 8 là Ba Lan, 5 là Ý, 3 là Hung, 2 là Armenia, 1 Tây Ban Nha, 1 Rumani, chỉ 3 người là Pháp. Tệ hơn nữa, 9 người trong bọn họ mang dòng máu Do Thái và tất cả đều là cộng sản hoặc thân cộng. Tường thành phố khắp nước Pháp tràn ngập bích chương đỏ in ảnh và tên những người ngoại quốc dã man đó. Bộ máy tuyên truyền của Đức nghiên cứu bích chương rất kỹ: phải là màu đỏ như máu đã chảy từ bàn tay thảm sát của bọn họ; phải ghi rõ “sát nhân thường phạm”, không phải quân giải phóng; phải in toàn ảnh râu tóc xồm xoàm, và dưới mỗi tấm ảnh dữ tợn đó ghi một tên ngoại quốc; không in ảnh và tên của ba người Pháp; ghi thành tích sát hại và số nạn nhân dưới tên mỗi người… và còn ghi rõ là nếu có người Pháp thì đó là vì bị lũ ngoại quốc điều khiển, do bọn Do Thái xúi giục. Qua bích chương, bộ máy tuyên truyền nhắm tới triệt hạ uy tín của kháng chiến quân, biến họ thành tổ chức khủng bố chống lại nước Pháp và nhân dân Pháp, khai thác triệt để khuynh hướng bài ngoại, bài Do Thái, bài bôn-sê-vích tiềm tàng trong đầu một phần dân chúng. Ngày 21-2-1944, Manouchian và 21 đồng đội bị xử bắn; người đồng đội là phụ nữ duy nhất bị chặt đầu tại Đức. Bất chấp những nỗ lực tuyên truyền bôi nhọ của Đức quốc xã và lũ tay sai, người dân Pháp vô cùng phẫn nộ về những vụ hành quyết và dân chúng đã viết công khai lên trên các áp phích dòng chữ Morts pour La France (Died for France – Đã hy sinh vì nước Pháp), cụm từ chính thức tưởng nhớ những người lính chết trong chiến đấu. Họ cũng để lại những bông hoa tưởng niệm. Mười một năm sau khi Manouchian bị bắn, vào năm 1955 thành phố Paris hiến tặng nhóm của ông một con đường ở quận 20: đường “Groupe Manouchian”.
Link download